Monday, August 31, 2015

Mấy câu hỏi cần coi lại

Vài ngày trước, Vietnamworks đăng bài viết này http://hrinsider.vietnamworks.com/8-cau-hoi-nha-tuyen-dung-muon-nghe-sau-phong-van/ trên trang blog của công ty. Tôi có ngó qua và nghĩ rằng "lẽ ra có thể làm tốt hơn như vậy". Vài câu hỏi trong bài viết thật ra không hỏi thì tốt hơn. Tôi không muốn tìm những lỗi lặt vặt chỉ để đả kích những người đang muốn giúp cải thiện kinh nghiệm phỏng vấn của các bạn trẻ (cảm ơn Thành Nhân cho câu dịch này). Vậy nên trong bài viết này, chỉ đơn giản phân tích nguy cơ đi kèm với những câu hỏi này, và đưa ra vài lựa chọn khác mà cá nhân tôi cho là tốt hơn.

src: Pinterest


(0) Các câu hỏi được gợi ý cho cuối buổi phỏng vấn. 

Tôi không hiểu lắm về qui ước này, nhưng các cuộc phỏng vấn thường diễn ra một chiều, người phỏng vấn hỏi (hy vọng từ một bảng câu hỏi chứ không lướt dọc CV, bạ đâu hỏi đó) và ứng viên trả lời. Cái này không có công bằng. Buổi phỏng vấn, ngoài để chứng minh năng lực của ứng viên, còn là bài kiểm tra rằng công ty là một nơi xứng đáng để làm việc, để cam kết trong tương lai (và xét theo góc độ đó, trong buổi phỏng vấn, công ty nhận được 100% chú ý của ứng viên để "chào bán" công việc đang đăng tuyển, hiệu quả hơn đủ loại quảng cáo khác, nhưng đó là một chủ đề khác)

Vậy nên một buổi phỏng vấn hiệu quả nên là một chuỗi tương tác hai chiều, trong đó vai trò người hỏi và trả lời luôn thay đổi. Dù trên lý thuyết, tôi có thể ráng mà nhớ hết tất thảy câu hỏi chờ đến cuối buổi phỏng vấn, tôi không nghĩ việc này hiệu quả.
  • Ngữ cảnh rất quan trọng trong một câu hỏi tốt. Hỏi một câu hỏi ngoài ngữ cảnh có thể là một hành động cực kỳ thiếu muối. 
  • Nhiều khả năng tôi quên, đến cuối phỏng vấn không còn nhớ câu nào, vì tôi biết tôi là con người không có trí nhớ. 
  • Cuối cùng tôi không muốn tham gia một công ty mà từ giây phút làm quen đầu tiên, tôi đã phải đóng vai bị động.

Chuyện này từng xảy ra khi tôi phỏng vấn ở công ty internet hàng đầu Việt Nam. Tôi bị hỏi implement 1 cái stack (nghĩ nó như cái ống bịt một đầu, data vào trước, thì ra sau). Nhưng mà tại tôi nhoi, tôi hỏi ngược lại là thế kỷ này rồi đâu còn ai tự viết mấy kiểu dữ liệu cơ bản này nữa. Lúc đó mới phát hiện là, tại công ty này, mọi người có xu hướng tự cung tự cấp, không dùng nguồn bên ngoài. Điều này đi ngược với thói quen dùng code open source, không viết lại những cái có sẵn của tôi. Và tôi mừng là đã không nhắm mắt viết theo yêu cầu của người phỏng vấn. Có thể rút cuộc phỏng vấn xong tôi cũng biết được điều tương tự về văn hoá công ty, nhưng đó là sau khi viết đủ thể loại data structures hầm bà lằng.


(1) Bước tiếp theo của buổi phỏng vấn này là gì?
(2) Tôi rất mong muốn có được việc làm này và cơ hội làm việc với anh/chị. Tôi đã tìm hiểu kỹ về công ty, và qua những gì chúng ta trao đổi, tôi muốn biết khi nào anh/chị sẽ ra quyết định?

(1) (2) Hai câu hỏi này, thật ra là cùng một câu hỏi, nhưng là một câu hỏi tốt.

Không cho ứng viên biết bạn ấy đang ở đâu trong qui trình phỏng vấn của công ty, và không thông báo kết quả cho những ứng viên bị loại, là hai thói quen không chỉ là thiếu chuyên nghiệp, mà là không tôn trọng người khác của mấy bạn làm nhân sự ở Việt Nam. Có ai hồi nhỏ bị lạc trong siêu thị không thấy mẹ đâu, sợ muốn chết không? Tôi bị hoài, tại tôi nghễnh ngãng. Tôi không muốn người khác cũng cảm thấy như bị lạc đường lúc đi tìm việc, mà đặc biệt là công việc đầu tiên. Nên trong mọi interview script mà tôi chuẩn bị, phần cuối cùng luôn dành cho thông báo ứng viên đang ở đâu, chuyện gì xảy ra tiếp theo, còn bao nhiêu vòng phỏng vấn nữa. Và dù tôi phải viết thư từ chối hoài hoài, tôi vẫn làm.


(3) Anh/chị còn điều gì cần biết về tôi trước khi ra quyết định không?

(3) Là một câu hỏi kinh khủng.

Phỏng vấn, dù theo nghĩa truyền thống nhất, là môi trường để ứng viên rao bán kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Nếu đến cuối buổi phỏng vấn, mà bạn vẫn chưa lái được câu chuyện đến những thông tin nổi bật nhất của bản thân (ví dụ: tổ chức Barcamp, cuối tuần viết code cho người ta xài free, etc) mà phải cạy vô câu hỏi của người khác, thì bạn tạch rồi.

Câu hỏi cuối cùng mục đích chính là để lại ấn tượng với nhà tuyển dụng, vì nếu hỏi để lấy thêm thông tin, thì nên hỏi từ trước rồi. Mà theo tôi, ấn tượng từ một câu hỏi móc họng như này không hay lắm. Có bao giờ bạn đi shopping, mà nhân viên hỏi "Giờ em phải nói cái gì để chị mua cái áo này?" không? Chắc cũng có, mà nhỏ nhân viên đó giờ bị đuổi rồi. Ai có đọc voz chắc biết câu hỏi huyền thoại em có thích ăn rau dền không?. Đây y xì là một câu hỏi ăn rau dền khác, version đi phỏng vấn!

Alternative: "Tôi có kinh nghiệm nhảy sào qua tường trường cấp 3. Công việc mới có môi trường để tôi phát huy lợi thế này không?" Tôi cho là câu này cho phép bạn khoe khéo chân bạn dài, và tìm hiểu xem công ty có đang kiếm người trang trí cây thông Noel không.


(4) Còn điều gì khiến anh/chị thấy tôi chưa thích hợp với công việc không? 
(5) Chuyên môn của tôi có thích hợp với vị trí mà anh/chị đang tìm kiếm không?

(4) (5) Là 2 câu khác nhau tí xí

So sánh 2 câu thì tôi không thích câu đầu tiên lắm. Hỏi người phỏng vấn về khuyết điểm dễ đưa họ vào bẫy tâm lý "hire for lack of weakness, not for strength". Gọi nôm na là tuyển tại vì ngoan, chứ không phải giỏi. Dù tôi có nhiều ưu điểm như ở dơ, da đen, đầu trọc, tôi cũng biết mình còn nhiều điểm thiếu sót (ví dụ: bị hoang tưởng), nên ai mà tuyển kiểu này thì tôi thất nghiệp.

Nhưng nói chung, khi tôi đi tìm việc, tôi sẽ không hỏi câu nào trong hai câu này cả, nếu được. Đầu óc con người có vài cái luật chơi của riêng nó. Một trong những luật căn bản nhất là luôn muốn có được tính nhất quán trong suy nghĩ. Nghĩa là một khi bạn đã xác định quan điểm của mình về một con người hay sự việc, rất khó để thay đổi quan điểm đó. Mấy cuộc chiến tranh tôn giáo, cả ngàn năm qua, đều từ do mấy cha bảo vệ quan điểm cực đoan mà ra.

Khi phỏng vấn, trừ khi bạn là strong hire, còn thì người phỏng vấn nào cũng qua một giai đoạn phân vân chưa biết xác định bạn là tốt, hay dốt. Cả hai câu hỏi của Vietnamworks đều có cùng mục đích là đẩy nhanh quá trình này. Mà chín ép thì không có thơm. Một khi họ trả lời câu hỏi của bạn, họ đã xác định quan điểm của mình. Và họ muốn suy nghĩ mình nhất quán, dù cho các người phỏng vấn khác không cùng ý kiến. Heck. Họ sẽ bảo vệ ý kiến của họ như điên luôn.

Alternative: "Vị trí này (trang trí cây thông Noel) giúp công ty đạt được mục tiêu như thế nào (tăng moral của các anh trai độc thân)?". Giải thích là câu hỏi này cho thấy ứng viên là người tham vọng, muốn có cái nhìn toàn cảnh về công ty và chiến lược hoạt động thì cũng được. Nhưng mà là nói xạo. Trả lương tôi cao là được rồi, rửa tiền cũng được. Tôi chỉ muốn vỗ vai người phỏng vấn mình, nhắc họ về đóng góp của họ với công ty (tuyển chân dài). Hy vọng để lại ấn tượng sau phỏng vấn.


(6) Ai là người đảm nhiệm vị trí này trước đây?

(6) Là câu hỏi hay.

Trước giờ tôi không nghĩ ra. Tôi không biết các công ty ngoài kia cởi mở như thế nào về những người cũ và chuyện thị phi?


(7) Anh/chị hãy chia sẻ cho tôi về văn hoá công ty?
(8) Công ty anh/chị cần ứng viên có những kỹ năng mềm nào?

(7) (8) Là hai câu hỏi lý thuyết. 

Mà trên lý thuyết, tôi hoàn hảo, và công ty tôi cũng vậy. Ở ngoài đời, tôi xa cái chuẩn ấy dữ lắm. Hỏi người quen tôi coi. Nhưng mà khi có người hỏi tôi câu hỏi giả như kiểu "Anh là con người như thế nào?" thì tôi vẽ tới mây luôn cũng được, bắt đầu từ việc tôi là một người đẹp trai. Tại vì tôi không mô tả chính tôi, tôi mô tả con người mà tôi muốn trở thành! Văn hoá công ty của tôi, vì vậy, đương nhiên là chất nhất quả đất. Và nhân viên của tôi có kỹ năng mềm của một hoa hậu. Vậy nên tôi tiệt không còn dùng câu hỏi lý thuyết nữa.

Alternative:
  • "Bây giờ là 6PM thứ 6, dự án 3 tháng nay còn mấy tiếng nữa thì xong, tôi có hẹn với bạn gái đi ăn tối. Công ty muốn tôi làm gì?". Không gì nói lên văn hoá công ty rõ ràng như một câu hỏi thực tế, giữa lợi ích công ty, tập thể, và cá nhân. Câu trả lời ưa thích của tôi là "Tối nay công ty bao pizza với beer. Tuần sau thứ 6 dev team dùng bữa ở Au Manoir De Khai." (Thứ 5 tuần sau báo Au Manoir hết bàn, mình ra hồ Con Rùa vậy, cũng gần)
  • Kỹ năng mềm hả? Trả lời tốt câu hỏi ở trên là kỹ năng mềm rồi đó!

2 comments:

  1. Nay rảnh vô lại thì bài post của VietnamWorks biến mất rồi :(

    ReplyDelete