Tuần này, ở lại công ty gần như cả 5 ngày. Đến ngày cuối (hôm nay), Phương phải cho mượn cái áo thun cứu nạn.
Không ai sắp đặt, nhưng cái kiểu sống bạt mạng quăng quật, sống như ngày mai không có, chỉ còn hôm nay, vùi đầu vào những deadlines tưởng tượng, sao giống những ngày đầu 2011 đến kỳ. Sao nhớ quá.
Nhớ hồi văn phòng là căn chung cư bên Him Lam, phòng chưa kéo cáp, công việc chạy qua chạy vào đều qua cái USB 3G nóng chiên trứng được. Mà máy Phú chạy Linux không chơi với Mac, phải cắm dây LAN vào máy Bách, dây nhợ loằng ngoằng. Thời đêm nằm lại trên bean bag, sáng dậy bả người như ngủ trên xe đò, ngó qua bên Sơn ở trần, bên kia Tuấn Anh cuộn người như con mèo lười, chép miệng bảo lầy. Và không quên được những ngày đôi mắt mù loà với những ảo tưởng bản thân vô nghĩa, đưa chân đạp lên tình bạn, sống như đứa khốn nạn.
Rồi vì nhớ quài về quá khứ, thót nhận ra là từ ngày mình vào Đại Học đến giờ là 7 năm rồi.
Hồi đó, trong mùa hè cuối cùng, những thằng con trai lún phún râu, sần sùi trứng cá, ngập đầy những câu chuyện thì tương lai, nói như mình biết cả thế giới. Chẳng thằng nào biết mình đang nói cái gì cả.
Hồi đó, tương lai như là một con đường tuyến tính, có người đi nhanh, người đi chậm, nhưng cứ nghĩ ai cũng học, cũng đi làm, rồi cuộc sống tua nhanh đến đoạn nghỉ hưu bế cháu như ông bà nội ngoại ở nhà.
Lớn rồi mới biết, không chỉ tương lai, mà cả hiện tại nữa, là những đống bầy nhầy đủ mọi con đường, lẫn lộn cảm xúc, chẳng thấy lối đi. Đứa nào sống qua được những năm hai mươi mà không nghĩ đến việc tự sát một lần, là ông bà phù hộ dữ lắm. Những đứa không may còn lại, hoặc ông bà không thương, hoặc hông có linh, thì phải sinh tồn, riết hồi đâu là mình, đâu là tiêu chuẩn người đời chẳng còn biết nữa.
Chỉ còn nhớ hồi 18 tuổi, cái suy nghĩ mình là một và duy nhất sống động và mãnh liệt. Không cần đến những lớp nâng bi motivational, tin vào sự độc nhất của mình như lẽ tự nhiên. Những tối dở hơi như hôm nay, nhận ra mình cũng như bao người khác trong cái binh đoàn những người trẻ, ra rả những tình yêu công việc như tiếng gọi cuộc đời, xê dịch như lẽ sống, và bọn nhà báo chỉ rặt tuyên truyền (nhưng một thằng không ai biết là ai, giọng văn rặn cho ra được giọng miền Tây, mang cái tên không chút tiếng Việt, thì tin được, đừng lo). Im lặng thầm ghen tỵ với cuộc đời người khác, nhưng đứa nào mở miệng ghét bỏ công việc, cả năm không có nhu cầu đi đâu cả (ngoài đi ăn, đi ngủ, với đi cầu) thì đứa đó kỳ dị, là đứa phải hủi. Và dù nhà đài ra rả bệnh phong tuy lây nhưng rất khó lây, tụi nó vẫn bị đẩy ra cho ở riêng một cái chòi, cho lành.
Giờ lớn, biết mình chỉ là một phần trong xã hội chằn chịt, chỉ mong làm cái phần của mình được đàng hoàng, về sau ngó lại không phải hạ đầu. Vậy mà để cái job title là "Software Engineer" cũng bị đè ra hỏi, vậy chính xác em làm gì. Còn mấy cái title mông lung bỏ mẹ, như "Chief Representative", "General Manager", "CEO", thì không ai hỏi han gì?! Con người ghét bị quy chụp, bị coi là một món đồ vật với tính chất và khả năng bất biến, nhưng hằng ngày, lại đi chụp mũ khối người khác. Má, sống gì mà khôn. Những câu hỏi "mà CEO là làm gì vậy anh?", nghe thật thà, hiền lành. Thèm được vậy.