Sunday, February 26, 2017

Bye Chung Cư Nguyễn Huệ. Bye Saigon.

Bạn phải đọc cái tin này, thì mới biết tôi đang lầm bầm gì. Nên đọc đi, tôi chờ. Lười lười đọc tiêu đề được rồi.



Giải tán mấy quán này, chắc chung cư Nguyễn Huệ chỉ còn cái xác bê tông. Từ lâu người ta không còn ở đây nữa, tại vì, như trong bài, hạ tầng xập xệ quá rồi. Nói cách khác, những hàng quán này giờ là thứ duy nhất giữ sức sống của chung cư. Dẹp quán đi, người dân không (muốn) quay lại ở, chung cư chắc nhường chỗ cho một toà cao ốc văn phòng phù hợp hơn với khuôn mặt thành phố.

Ở Saigon, các hộ kinh doanh nhỏ là xương sống của nền kinh tế, họ không có chỗ trên khuôn mặt thành phố? Đã lâu ở Saigon không có những công trình như Hồ Con Rùa, không nhầm mục đích quần què gì hết, đẹp thì làm. Ngày xây Hồ Con Rùa, ông kiến trúc sư chắc không nghĩ đến việc bán bánh tráng trộn, hay công viên 30/4 thành chỗ gom giấy báo lót đít. Cũng như chung cư Nguyễn Huệ, những địa danh này trờ thành môi trường để các mô hình kinh doanh phát triển một cách tự nhiên (organic). Đó là dạng công việc cần đến chính phủ, tạo ra môi trường phát triển tự nhiên cho xã hội, và nhường công tác quản lý vi mô (đổ đầy shop vào một cái mall trống) cho khối tư nhân. Khi chính phủ hiệp lực với tư nhân bự, tư nhân nhỏ thành người làm thuê, ở thuê.

Chung cư Tôn Thất Đạm. Cái vẻ chất chất nghệ sĩ bạn nhìn thấy mà không gọi tên được là nhờ tính tự nhiên trong tổng thể. Như một ngôi làng Thuỵ Sĩ.
Trà Lạc Đình, Hồ Con Rùa cũng đi luôn? Cô chú ở đây từ hồi chung cư mới dựng.
Hồ Con Rùa nhìn từ Lạc Đình.

Từ sau ngày 25/3/2015, Saigon hay được so sánh với (quá khứ) Singapore. Bằng vai phải lứa với Singapore thành KPI. Ở Sing, khu Tiong Bahru có hơn chục chung cư cũ, được xây từ thời lập quốc nên chính phủ quyết định phân hàng di sản quốc gia, mọi thay đổi, sửa chữa đều phải xin phép. Giờ thành thánh địa cho tụi hispter ghét mainstream. Booksactually nơi tôi mua được bản Sorrow of War ở ngay đây. Những căn đầu tiên ở Tiong Bahru xây hồi 1920, nhưng phần lớn những gì ta nhìn thấy giờ đây là từ 1960. Saigon đâu thiếu di-sản-quốc-gia-singapore.

Tài sản quốc gia Singapore. Nhân tiện, Marina Bay Sands không phải.

Nghị định số 99/2015 có thể tránh được nếu toà nhà 42 Nguyễn Huệ từ bỏ chức năng chung cư của mình? Tôi không biết, tôi là dân tay ngang, và bạn đừng có mà tin một thằng ất ơ trên Internet. Nhưng trung-tâm-mua-sắm-nhìn-như-chung-cư / mall-that-look-like-apartment-building thành trào lưu mới của Saigon? I can live with that. Heck, after a selfie stick is decided to be called "gậy tự sướng", I can live with anything.